Thuốc không phải là kẹo

THÔNG BÁO LỊCH NGHỈ LỄ 10/3 - 30/4 - 1/56 Siêu Âm Fibroscan - Phương Pháp Không Xâm Lấn, Đánh Giá Toàn Diện Sức Khỏe Của Gan6 GÓI KHÁM TỔNG QUÁT - ƯU ĐÃI THÁNG 4/20246 KHÁM SỨC KHỎE ĐỊNH KỲ CHO DOANH NGHIỆP TẠI PKĐKQT YERSIN6 DỊCH VỤ NỘI SOI AN TOÀN KHÔNG ĐAU TẠI PKĐKQT YERSIN6 Bảo Lãnh Viện Phí Tại PKĐKQT YERSIN6 PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN - BIỂU TƯỢNG CỦA NỤ CƯỜI6
Đặt lịch hẹn khám

Thuốc không phải là kẹo

    Hầu như ai cũng biết thuốc không phải là kẹo, vì hầu hết các loại thuốc đều … đắng chứ không ngọt. Thế nhưng cách ứng xử của dân ta đối với thuốc không khác kẹo là mấy: có thể tùy nghi sử dụng, tùy nghi tự kê toa, tùy nghi ngừng hay uống …

    Bên cạnh tác dụng chữa bệnh, thuốc cũng có mặt trái, có những tác dụng phụ, có những tác hại khi lạm dụng hay xem thường thuốc. Nhưng không phải ai cũng biết những điều đó. Thói quen sử dụng thuốc của người Việt ta cũng còn nhiều điều bất cập.


    Ra nhà thuốc cho nhanh


    Đây là “ưu điểm” rất lớn của hệ thống phân phối dược phẩm ở Việt Nam nhưng thực tế là hạn chế trầm trọng của ngành quản lý dược, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc lạm dụng kháng sinh và tạo nên một môi trường cực kỳ xấu, dẫn đến những chủng vi trùng kháng thuốc ngày càng nhiều. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tai biến do dùng thuốc không đúng hay do chẩn đoán chậm trễ.


    Ở nước ngoài, các loại thuốc được chia làm 2 loại rất rõ ràng: Thuốc trên quầy (OTC) ai mua cũng được và thuốc phải kê toa. Ở một số nước, phần lớn các thuốc chuyên khoa, thuốc ung thư, thuốc kháng sinh, thuốc an thần và kể cả thuốc ngừa thai … đều cần toa mới mua được. Ở trên quầy thường chỉ là các loại thuốc bổ, thuốc trị dị ứng, thuốc dạ dày- tiêu chảy và một số loại thuốc giảm đau thông thường. Ở Việt Nam, người bệnh hầu như có thể mua bất cứ thuốc gì với số lượng không hạn chế.

     

    (Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

     

    Thật ra, chúng ta đã có quy định mua thuốc kháng sinh phải có toa từ 2 năm nay nhưng một báo cáo cuối năm 2011 điều tra ở Hà Nội cho thấy tỷ lệ mua kháng không có toa bác sĩ lên đến 88% (nội thành) và 91% (ngoại thành). 49,3% trong số này là người bệnh tự yêu cầu loại thuốc và hơn 50% là do nhà thuốc tự chỉ định. Không thể chối cãi là việc ra nhà thuốc giúp giải quyết triệu chứng nhanh và rẻ trong khá nhiều trường hợp, nhưng đem sức khỏe của mình ra đùa giỡn như thế có phải là điều tốt?


    Có thể mua thuốc trên quầy khi bị các triệu chứng đơn giản như cảm sốt, đau lưng, tiêu chảy, sổ mũi, … nhưng nên đi khám nếu các triệu chứng tồn tại kéo dài hơn 3 ngày.


    Chích cho khỏe, chích cho lẹ, chích cho … đã ghiền


    Một suy nghĩ thâm căn cố đế của người bệnh là thuốc chích bao giờ cũng mạnh hơn thuốc uống và chích thì mau hết bệnh hơn. Quan điểm cổ hủ cộng với sự xuề xòa vô ý thức kết hợp với “tinh thần phục vụ bệnh nhân theo yêu cầu” đã dẫn đến một tệ nạn trong ngành Y.


    Về mặt khoa học, việc chích cho khỏe, truyền nước biển cho mập là hoàn toàn sai lầm. Mỗi dạng thuốc đều có những chỉ định riêng, hiếm khi có thể dùng lẫn với nhau. Việc lạm dụng tiêm chích chắc chắn sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra tai biến. Về mặt quản lý, sử dụng thuốc uống và thuốc tiêm chích có phân cấp hoàn toàn khác nhau. Việc chỉ định uống thuốc chỉ cần lưu ý đến tác dụng phụ là chính.


    Ngược lại, khi nói đến kim tiêm, ống chích là phải nghĩ đến chuyện khác như gây nhiễm trùng, vấn đề lây nhiễm HIV, sốc phản vệ, tác dụng phụ nguy hiểm của thuốc … Ở Mỹ, một học sinh quên ăn sáng nên choáng váng vì hạ đường huyết, đưa vào cấp cứu truyền một chai Glucose 5% thì ổn. Vài tuần sau hóa đơn đưa về nhà gần đến 500 USD chỉ cho chai dịch truyền này. Giá thật sự của một chai dịch Glucose không đến 5 USD nhưng toàn bộ chi phí còn lại là gì? Đó là chi phí cho trách nhiệm người bác sĩ và điều dưỡng khi họ cắm cây kim vào tĩnh mạch người bệnh.


    Xu hướng đơn giản hóa vấn đề của ta có thể tóm gọn trong một câu … Úi giời, chích một cái mà, có gì đâu! Không đâu bạn, một mũi kim vô tình có thể cướp đi mạng sống đấy.


    Đừng lạm dụng, mỗi mũi tiêm đều cần một lý do chính đáng không xuất phát từ yêu cầu của bệnh nhân.


    Đùa giỡn với toa thuốc và y lệnh bác sĩ


    Tình huống 1: Một bệnh nhân đi khám và khỏi bệnh sau vài ngày. Người bệnh hí hửng tuyên bố:” Tui hạp thuốc này” và giữ kỹ của quý. Lần sau cũng đau như vậy, đem toa cũ ra uống tiếp. Một bữa đẹp trời trong bàn nhậu, có anh bạn than thở ốm đau sao giống mình quá, thế là đem toa ra tư vấn:” Uống cái này đi, hiệu nghiệm lắm!”


    Tình huống 2: Một bệnh nhân được chẩn đoán lao phổi, được cho toa thuốc và dặn tái khám. Toa thuốc cho 1 tháng nhưng mới uống 2 tuần đã thấy khỏe quá, hết sốt, hết ho. Bệnh nhân phấn khởi quá nghĩ là xong rồi, thôi không thèm uống nữa.


    Tình huống 3: Một bệnh nhân được chẩn đoán cao huyết áp, suy mạch vành, được ra toa một tháng. Sau một tháng điều trị thấy huyết áp ổn định bèn ngưng thuốc. Tất nhiên huyết áp sẽ tăng vọt trở lại nhưng bệnh nhân có trở lại tái khám đâu mà biết !

    (Ảnh minh họa: Nguồn Internet)


    Thuốc không phải là kẹo mà người ta có thể giữ xài dần. Bệnh mỗi người mội khác, mỗi lúc mỗi khác, sao có thể tùy tiện sử dụng toa thuốc theo cách như vậy? Còn rất nhiều tình huống bi hài khác liên quan đến cái toa thuốc mà nguyên nhân một phần xuất phát từ sự xem nhẹ của bệnh nhân đối với chế độ điều trị và theo dõi của thầy thuốc.


    Vì lợi ích của bạn, hãy chú ý tuân thủ đúng những gì được chỉ định và dặn dò trong toa thuốc.


    Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang
    Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin

     

    Xem thêm những bài viết liên quan:

    1. Thuốc GENERIC - Tại Sao Không?

    2. Tương Tác Thuốc Với Rượu

    3. Tản Mạn Về Cái Tâm Của Người Thầy Thuốc

    4. Những Điều Cần Biết Ngay Về "Kháng Kháng Sinh"

     

    PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN

    • Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
    • Điện thoại: 028 39 33 6688                  Hotline: 0903.800.551
    • Email: info@yersinclinic.vn
    • Website: www.yersinclinic.com
     
    Zalo